Có một câu nói cửa miệng rằng "không tới xyz thì không biết mình nghèo", trong đó xyz là một thành phố hay một điểm nào đó trên bản đồ địa lý thế giới. Theo khảo sát mới nhất của hãng tư vấn Mercer vừa công bố, xyz năm nay là Tokyo, thủ đô của xứ sở hoa anh đào.

Dẫn báo cáo của Công ty Tư vấn Mercer, hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong số 214 thành phố được khảo sát năm nay, Tokyo là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Theo đó, Tokyo đã vượt qua thủ đô Luanda của Angola.

Việc đồng Yên tăng giá mạnh so với USD đã khiến chi phí sinh hoạt của các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản tăng vọt. Ngoài thủ đô Tokyo, hai thành phố khác của Nhật Bản cũng lọt trong top 10 này gồm Osaka (vị trí thứ 3) và Nagoya (vị trứ thứ 10).

Trong khi đó, Luanda, "cựu vương" hai năm liên tiếp 2010-2011 bị đẩy xuống vị trí thứ nhì trong bảng xếp hạng của Mercer. Sở dĩ Luanda liên tục đứng thứ hạng cao trong top khu vực đắt đỏ là bởi nội chiến kéo dài, sản xuất hàng hóa yếu kém khiến 80% hàng trên thị trường là nhập khẩu.

Đứng vị trí thứ 4 vẫn là thủ đô Moscow của Nga. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Moscow đứng ở ngôi vị này. Sau Moscow là Geneva và Zurich cùng của Thụy Sỹ. Singapore đứng ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. Tiếp đó là N'Djamena của Cộng hòa Chad và Hồng Kông của Trung Quốc.

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo năm nay của Mercer là sự thăng hạng của một loạt thành phố tại Nhật Bản, Trung Quốc, trong khi các thành phố châu Âu lại có phần rẻ đi. Karachi là thành phố rẻ nhất đối với những người nước ngoài đến làm việc. Thủ đô Hà Nội xếp thứ 136.

Cũng trong bản nghiên cứu chi phí sinh hoạt tại 214 thành phố mà Mercer mới công bố, tiền nhà ở vẫn chiếm nhiều nhất trong chi tiêu của người nước ngoài (25%) tiếp theo là chi phí đi lại và sinh hoạt. Ảnh hưởng lớn nhất đối với giá cả sinh hoạt ở các địa phương là tỷ giá hối đoái.

Nghiên cứu của Mercer dựa trên thông số về giá cả từ tháng 3-2011 đến 3-2012. Trong quãng thời gian này, những dao động mạnh trên thị trường tiền tệ là tin xấu đối với các công ty nước ngoài kinh doanh tại châu Á, đặc biệt là những công ty có doanh thu chủ yếu bằng đồng Euro.

Hoài An
Theo vneconomy.vn